Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

CÁM ƠN MULTIPLY


Viết entry này chỉ để nó tồn tại trong vòng hơn chục giờ đồng hồ. Cảm giác chưa bao giờ như thế. Nhưng muốn viết.

Ở Mul này mình đã tiếp tục những ngày viết, chơi vui tràn đầy ấm áp. Vẫn đủ cung bậc tiếp nối từ Zà hú nhưng theo cách trầm hơn, tưởng chừng pha chút uể oải nhưng thực ra là về gần hơn với tiết tấu cuộc đời. Vòng kết nối ở đây vẫn gần như từ Zà hú qua vì mình không còn muốn mở rộng, thêm vài người bạn mới nhưng hầu như là vì bên Zà hú mọi người đã âm thầm chia sẻ, qua đây add nhau để tiếp tục vì mình không public.

Mul trầm mặc hơn và dễ chịu hơn. Sự vắng vẻ hơn so với Zà hú khiến mình viết dễ hơn dù không còn giữ tốc độ như ở Zà hú. Cuộc sống giai đoạn sau này quả thực có nhiều khó khăn hơn trước, nếu ồn ào như môi trường Zà hú chắc cũng viết không được. Viết ở Mul cảm giác sống cuộc sống rất riêng, những bè bạn ít ỏi lai qua láng lại ấm áp. Giờ ở Blogspot và Facebook không có được cảm giác ấy đâu.

Ở Mul mình đã qua những tháng ngày dịu ngọt, đã sống với đôi cảm giác trần gian nồng nàn. Không quên được con người và cảm xúc. 

Tháng ngày thoắt trôi như bóng câu. Rồi ngôi nhà lại cũ đi, tan mất. Không còn hốt hoảng như thời mất ngôi nhà ảo đầu tiên - Zà hú, nhưng vài phần thảng thốt vì một mảnh vườn êm dịu, một mảnh đời nữa lại sắp vào ký ức.

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

CÓ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÓI, CHỈ NGÂN NGA



CÓ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÓI, CHỈ NGÂN NGA

Có rất nhiều điều ta tránh nói với nhau

Mặn mà quá hoặc nhiều suy tưởng quá
Biết đâu những ưu phiền xa lạ
Làm nhoè đi tinh tuý nụ cười

Có rất nhiều điều chẳng thể hé trên môi
Vì năm tháng có thể ngừng, hoá đá
Dòng mưa nắng đời thường thành trĩu nặng
Mắt người thân quý lặng ánh trầm

Có rất nhiều vang vọng giữa lắng thầm
Rung chuông khánh ngân nga miền cổ tích
Không nói chỉ vì không bao giờ hết
Không bao giờ ngắt nổi suối mênh mang ...

P/S: Dịch từ tiếng Lào sang tiếng Ý, qua tiếng Thổ Nhĩ kỳ, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga, Campuchia để ra tiếng Việt

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

EO NÀNG - Ý ANH


Cám ơn các đấng nam nhi - blogger đã sẻ chia quan điểm về chiếc Eo của thế giới Nàng. 
Bài viết đăng trên tạp chí SỨC KHOẺ - GIA ĐÌNH số tháng 9 năm 2009.
Ảnh minh hoạ lấy từ trang web của nghệ sĩ Dzung art.
Dzung art


Một điểm nhạy cảm nhất nhì trong tâm lý giới tính là cái Eo của nàng. Chả thế mà nhân gian đã qua bao kiếp vợ chồng, nam nữ, vẫn chưa hết sai đúng, trúng trật trong những sẻ chia quan điểm giữa phe tóc ngắn với phe tóc dài xoay quanh vòng 2 quyến rũ này. Nàng cứ ngỡ và chàng cứ nghĩ. Có lẽ cũng cần một lần nàng hiểu đúng ý chàng. Vậy thì đây, các chàng lên tiếng này nàng ơi.

Anh thích eo Nàng

Thực ra không phải lúc nào, ở đâu thoạt tiên phụ nữ cũng hút hồn chúng anh  từ cái eo cả. Nhưng dù thiện cảm bắt đầu từ ánh mắt, nụ cười, dáng đưa của ngón tay mềm, búng tóc mây buông hay nét môi nhẹ lẩy… thì eo vẫn là một điểm nhấn lúc mạnh, lúc nhạt hơn chút xíu trong ấn tượng ban đầu về nàng.

Có những chuẩn mực về chiếc eo phụ nữ như đã đóng đinh bởi sự lăng xê của nghệ thuật, của định kiến dân gian, của ám ảnh bản năng giới tính, chức năng sinh sản. Thời nọ eo đẹp phải hơi phì nhiêu một chút như bãi bồi phù sa mỡ màng chờ hạt mầm sinh sôi. Thời khác eo lại phải thắt nhỏ như nghẹt thở cho dáng dây. Mức trung bình giữa những thái cực ấy là một chiếc eo tự nhiên, với đường lượn từ sườn xuống hông như một nét lụa phẩy cong mềm, cân đối hai bên.

Thời đại chúng ta, dường như sự tham gia của chị em phụ nữ vào mọi mặt đời sống xã hội, mở ra cơ hội giao lưu văn hoá rộng rãi chưa từng có đã dần tạo nên cách nhìn mới ở nam giới và xã hội về chiếc eo của Nàng.

Chúng anh sẽ ấn tượng nhất khi ngắm eo thon của nàng từ phía sau. Một cảm giác tự nhiên, riêng tư và hơi… tấn công khi ngắm nhìn. Đường viền eo cần phải nuột, chẳng nên có nét nhô rõ quá của xương hông, xương sườn thấp. Chiếc eo cũng nên thắt nhẹ dáng đáy lưng ong cho gợi bản năng chiều chồng, nuôi con của nàng, nhưng đừng thắt đến khó tin như eo búp bê Barbie nhé. Eo của em Barbie chỉ vừa một chét tay hoá ra chẳng gợi cảm chút nào. Tưởng như eo ấy là eo tạo dáng nhờ phẫu thuật rút bớt xương sườn hay là bó vải cho hết đường thở, hết đường ăn uống. Thế thì còn gì là lãng mạn tự nhiên, nó có dáng… dị tật mất rồi.  Các nhà sinh học cho rằng một cái eo quá nhỏ như vậy rất phi lý vì nó không thể nào đảm bảo chức năng giá đỡ cho trọng lượng nửa trên cơ thể. Nàng Barbie mà sống giữa đời thật sẽ phải xài nẹp thép mới đi lại, vận động nổi.

Biết không, có khi một chiếc eo xinh lại được nhấn thêm bởi đôi “lúm đồng tiền” ở phía sau, ngang thắt lưng nữa ấy. Hoàn toàn bẩm sinh, lúm có khi mong manh như thoáng cười duyên, hoặc lại hút nhẹ sâu như giếng gợi những bí ẩn. Không ít nàng có điểm nhấn quyến rũ này lại bỏ phí dịp  khoe nó khi mặc áo tắm liền mảnh thay vì bikini.

Và chiếc eo, đáng ra chỉ là một hình ảnh cấu trúc như vậy, thì trong cách hiểu của nhân gian thường bao gồm luôn cả bụng, gắn trong một định nghĩa về vòng 2 – vòng eo.

Khi nói đến cái eo nhung nhớ cũng rõ lắm săc màu. Anh này thích chiếc bụng dáng phẳng phiu. Anh kia lại thích dáng bụng nàng đừng thót vào như người mẫu. Cứ việc hơi đưa ra chút xíu cho cân đối với dáng mông nẩy nhẹ phía sau thì càng gợi cảm. Có anh cứ khăng khăng eo chỉ là eo, bụng thì liên quan gì. Anh nữa lại rằng, cứ bụng đẹp đi, eo có hơi lớn chút cũng cho qua hết, không nhất thiết cứ răm rắp eo từ 55-65 phân theo chuẩn hoa hậu.

Eo nàng ảo diệu theo năm tháng

Do tác động thay đổi hệ cơ, mỡ, dây chằng, dáng eo cũng có thể tự thay đổi qua năm tháng cuộc đời nàng.

Ở lứa tuổi chuyển sang trung niên, dáng eo vẫn gọn là niềm tự hào không chỉ của vợ mà cả của chồng, nhưng dường như nét eo lý tưởng lúc này lại phải hơi đẫy ra theo dáng người một cách tự nhiên. Thường là eo sẽ hơi lớn hơn ít nhiều, cân đối với độ nảy nở của mông, vai, ngực. Trong mắt quý ông, độ nảy nở của cái eo trong một chừng mực nhất định lại là dấu hiệu quyến rũ đáng kể.

Chàng thích bụng nàng săn chắc, gọn gàng, song cũng lại thích nó mềm mại, đầy đặn một chút để thoả vòng ôm và gợi tình hơn. Quý ông thường hiểu rõ là khiếm khuyết của eo rất khó giấu, eo rất khó giữ nên chả mấy khi nỡ đòi hỏi làm khó chị em. Thậm chí chàng còn cho rằng sự mất eo mà vì những lý do chính đáng làm mẹ, nuôi con thì lại nên hãnh diện là khác.

Dáng eo theo cách hiểu gắn với bụng thường biến động nhiều nhất sau những chặng bầu bí, sinh nở, tăng thêm tuổi tác. Nếu bụng sổ quá thì đúng là bụng cũng phá eo.

Bụng có thể sẽ rạn không thể vãn hồi. Bụng cũng lại núng nính vì sinh con hay cơ địa. Bụng còn gánh vết sẹo do mổ đẻ, do mổ ruột thừa, do vết thương tai nạn... Giữ bụng rất khó. Ngoài một phần không lớn chị em phụ nữ được Trời ban cho quà tặng tuyệt vời là dù có sinh đến 2-3-4 bé con thì chỉ thời gian sau lại dần tự co về gần như dáng ban đầu, một yếu tố di truyền từ đời mẹ sang đời con gái, thì đại đa số bụng một đi không trở lại tự nhiên thế. Nàng có thể yên tâm chăng với lời rủ rỉ của chàng khi bày tỏ mối e ngại vòng eo của mình bớt hấp dẫn: Đừng nghĩ linh tinh, em đã vì anh mà sinh con, em đã hy sinh cái đẹp vì đời anh, em phải tin tình yêu của anh không thể nguội chỉ vì cái eo ấy đâu.

Để thích nghi với sự biến đổi của eo trong suốt cuộc đời người phụ nữ, và năm tháng vợ chồng, cả hai bên dường như cũng phải có những nỗ lực vượt qua chìm nổi tâm lý nhất định.

Chúng anh thú thực, dù không phải lúc nào cũng thế, nhưng đôi lúc những vết rạn da lộ liễu quá, một cảm giác bụng quá nhẽo, những vết mổ lớn còn chưa lại màu bình thường, hình vết mổ sẹo lồi ... cũng có thể gây cảm giác hẫng hụt về xúc cảm tình ái. Thông thường những cảm giác đó sẽ được chàng tự thu xếp vượt lên sau thời gian không dài, với sự hỗ trợ của lòng biết ơn về sự hy sinh thực hiện chức năng làm vợ, làm mẹ,  với sự cảm thông và thương yêu sâu sắc với nỗi đau vì tai nạn, với mặc cảm đầy nữ tính của người đàn bà mình yêu. Ít khi người đàn ông của nàng vô tâm đến mức chỉ vì thế mà bỏ nàng đi, mà lơ đãng với nàng. Một mối liên kết vợ chồng đâu chỉ là sự gắn bó tình dục, nó còn bao hàm biết mấy ràng buộc nghĩa nhân và những xúc cảm tinh thần quyến rũ khó rời.

Phần lớn chúng anh biết cách im lặng, không gợi vào nỗi ẩn ức vòng eo của nàng, hoặc khi nàng bộc lộ âu lo sẽ khéo léo mà thực tâm đánh tan mối mặc cảm đó: Vẻ đẹp của vợ anh đang chuyển vào con gái anh đấy nhé, anh chìm trong mắt em từ thuở yêu đã tỉnh ra đâu mà em hỏi cái eo.

Tất nhiên trong tâm lý giới tính, một cái bụng quá sồ sề, một vòng eo bị phá cách thô bạo so với khối cân đối chung cơ thể sẽ khó để lại ấn tượng trong mắt chúng anh. Tuy thế nếu nàng có ý thức tập luyện, giữ gìn vòng eo thì bản thân những nỗ lực ấy đã gây sự xúc động đáng kể cho bạn đời, bạn tình.  
Dzung art

Vì chàng thiếp phải giữ eo
Vì thiếp, thiếp phải ngặt nghèo số đo

Mười phần thì hết chín phần chúng anh sẽ giẫy nẩy lên chả đồng ý cho mẹ của con mình đi sửa eo đâu. Này là hút mỡ, căng da bụng, này là bỏ bớt nhánh xương sườn… Nghe đã đau chết khiếp hộ nàng rồi.

Những mổ xẻ can thiệp của y học dù hiện đại tới đâu cũng nào dám chắc sẽ không tai biến, không ảnh hưởng tới sức khoẻ của nàng. Anh chả biết mình có nuốt nổi nước mắt đắng cay vào lòng không nếu chỉ vì muốn giữ cho anh “đứng đắn” mắt đừng ngó nghiêng những bóng hồng vãng lai nào đó, thường do nàng quá nhạy cảm nên phê anh, mà nàng lại phải chịu những nguy hiểm trả giá bằng mạng sống ngay trên bàn phẫu thuật eo. Anh chả biết làm sao đền đáp nàng nếu chỉ vì thế mà nàng nhiễm trùng máu do phẫu thuật, rồi những tai bay vạ gió ảnh hưởng tùm lum trong ổ bụng. Em à, sức khoẻ của em vàng ròng còn không sánh kịp đâu. Nó còn là của con, của anh nữa đấy chứ.

Khi anh yêu em, anh ngộ ra rằng mọi ưu điểm, mọi mê hoặc từ yếu tố hình thức, eo ót chỉ là cái để “gọi đến”, chứ để anh “ở lại”, anh khát khao em là vẻ đẹp tổng hợp mang danh “nữ tính mặn mòi” cơ. Mà vẻ đẹp ấy chỉ chín và mỗi lúc một rạng ngời  theo năm tháng bồi đắp quyến rũ về tinh thần, về ứng xử, về nhẫn nại đợi chờ và bao dung chấp nhận cho mọi hay dở của nhau. Khi anh yêu em quá, mắt anh... nhắm tịt, còn thấy eo ra sao nữa đâu chứ. Anh vẫn yêu em từ bấy đến giờ, anh chưa đổi lòng thì em cũng làm ơn giữ nguyên đừng thay đổi bất kỳ điều gì ở em, giữ nguyên cái eo ... của anh nhé nàng!

Biết là em lo xa mà cũng là gần. Biết là cũng rất thật thôi điều tâm sự của những đức ông chồng “hướng ngoại” năm thê bảy thiếp: Bồ đẹp bồ ấm vào thân, vợ đẹp anh ấm từ chân đến đầu. Dù sự thực phũ phàng và ích kỷ, nhưng trong lúc các ông muốn vợ hãy giữ nguyên cho lành thì lại thường lơ đi việc tình nhân có một cái eo bắt mắt, đúng với khát vọng săn dẻo, phẳng phiu là nhờ nàng đã phải tút tát gọt sửa ra sao. Thế nhưng hễ người tình có sự gắn bó nào đó cao dày hơn, ý nghĩa dài lâu với đời họ, họ cũng lại sẽ ngăn nàng liều mình mổ xẻ eo ót.  

Dĩ nhiên, trong thời buổi các mỹ viện sẵn sàng đại tu bất cứ khoản mục nhan sắc nào của quý bà đang lung bung thật giả khắp từ trời Tây qua trời ta, thì có những ông chồng cũng nghĩ việc vợ sửa sang eo chỉ như “cắt móng tay, tỉa tóc mây” mà thôi. Quan trọng là nàng chớ vội liều gửi tấm thân ngàn vàng vào tay mấy vị lang băm bằng dởm mà oan gia. Chàng cũng rất chán khi nàng thiếu tế nhị, cứ lê thê kể lể nàng đau đớn thế nào vì làm eo… cho chàng, rồi tệ nhất là đo đếm hết bằng ấy bằng kia tiền. Cứ làm như tốn càng nhiều tiền thì chàng càng thích cái eo mới hơn không bằng. Giá nàng làm ơn dối tẹo đi, để chàng tưởng đó là đẹp tự nhiên. Bí mật ấy là cái chàng đã khám phá ngay từ lúc nàng chưa về tới nhà chứ. Những âm thầm của nàng sẽ làm chàng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh hết lượt này tới lượt khác, minh chứng một tình yêu mãnh liệt dành cho chàng.

Mà em này, sao cứ phải đau đớn đến thế mới có eo đẹp nhỉ. Sao em không nghĩ đời này còn thiếu gì cách giữ eo “bền vững” hơn gấp mấy. Hút mỡ thì mai cơ địa nó đổ xệ lại mấy hồi.

Anh thề sẽ rất hăng hái thu xếp đỡ việc nhà, tiền bạc và thời gian cho em đi tập thể dục thẩm mỹ, em lắc vòng, em đi bộ. Mà nếu em đi bộ, anh sẽ làm vệ sĩ sóng đôi, còn gì lãng mạn hơn, thấm tình hơn. Cấm ông nào thấy nàng của tôi chăm chỉ luyện tập nhan sắc mà tơ hào nghe chưa.

Kể cả khi công phu luyện tập chỉ cải thiện được phần nào thì còn đầy cách cho các nàng cải thiện góc nhìn eo ót.

Thật ra mắt các anh nhậy hơn bất kỳ sóng điện nào. Nhìn ảnh gương mặt cũng bắt ra hình dong nàng ấy chứ. Anh sinh ra từ bụng một bà mẹ. Lập trình trời đất đã găm sẵn trong mắt anh chiếc thước dây kỳ diệu để chỉ cần chưa đầy một giây đầu giáp mặt cũng đã định ngay ra dáng eo nàng trên cơ sở những ước định tỷ lệ cơ thể. Trừ khi anh chả có dòm ngó gì đến eo mà bận mê đắm vì thứ khác ở em thì mới không đo nó mà thôi. Và có đo thì cảm giác ấy cũng có thể nhoè ngay trước những sống động duyên dáng khác ở em rồi.

Em cứ việc chọn kiểu trang phục nào vừa hợp lứa tuổi, vừa hợp dáng eo để hạn chế sự thiếu tự tin của mình. Em cũng thừa tế nhị để lựa chọn dáng đi, thế ngồi cho phô ra dù vô tình hay hữu ý những điểm mạnh khoả lấp. Chính điều đó cũng đã làm anh nhận ra nữ tính tràn trề ở em rồi. Thêm một tẹo yếu đuối trong lòng em như thế càng khiến anh muốn che chở hơn thôi. Cái eo mà cứ nhỏ thon, nàng sẽ kiêu hãnh và anh mất đứt một cơ hội để yêu thương.

Cũng nói luôn, anh không quá tự hào mà ngủ quên trong ý nghĩ nàng chăm lo sắc đẹp chỉ cho anh đâu. Anh cũng còn phải gắng để đừng ghen với... trai thiên hạ nữa. Ôi, vẫn biết rằng đàn bà đâu chỉ vì mặc áo cho đẹp mà lo giữ eo. Nàng giữ vì tình yêu của nàng, nàng cũng còn một bản năng nữ tính chứa chan nữa. Nàng luôn có nhu cầu được ánh mắt khác giới ngưỡng mộ dù chẳng hề lẳng lơ tẹo nào.

Nàng quan tâm đến eo vì nó là một điểm nhấn tượng trưng của nữ tính. Nàng tự khẳng định rằng nàng là một người đàn bà đúng nghĩa, có ý thức về nhan sắc và giá trị của mình. Dù nàng có bao nhiêu lợi thế về khả năng xã hội, về những nét kiều mị khác ở hình thức, nội tâm thì thêm một chiếc eo hợp cách chưa bao giờ không là khát khao và... ám ảnh cả. Khi nàng sở hữu một chiếc eo đẹp, khi nàng có đủ ý thức và khéo léo để tăng hoặc giảm độ nhấn thu hút ánh mắt khác giới, cùng giới vào eo mình, nàng đang khẳng định tầm vóc nhân cách. Niềm tự tin ấy lại tạo ra sức cuốn hút ở nàng, đem nàng đi tới  thành công không chỉ trong giao tiếp giới tính mà cả quan hệ xã hội, dù những ánh mắt nhìn dành cho nàng là chủ ý soi xét hay là vô thức đánh giá.

Và nàng, dù có giữ ý tới đâu cũng không quên hết những động tác huyền diệu bản năng. Kìa, nàng đang nghiêng mình với chiếc áo trên dây phơi, đang xoay né nửa trên người để giấu một nét cười. Nàng đang bước giữa đời thường với chiếc eo của một thiếu nữ, một thiếu phụ mỗi lúc lại đẹp một kiểu cuốn hút vô thường khác nhau. Nàng đang hạnh phúc...

Xưa anh mê mẩn dáng thon eo nàng thì giờ đây anh thương đến xao lòng cái eo ấm áp quen thuộc. Anh muốn vòng tay vào đó để cùng cảm nhận nương tựa tình nhau, cùng dìu nhau đi hết đường đời.

Chúng anh nói thật đấy!

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

TIN Ở HOA GÌ? hay là CHUYỆN LỘ HÀNG TRÊN MẠNG

Những năm sau này  trong nhân gian hay xài cụm từ "tin ở hoa hồng" với hàm nghĩa tin ở những điều rất con người, rất chân thành, thương yêu đến cùng.

Cứ chiểu theo đó, không bao giờ nên xem mấy anh dân IT làm quản trị mạng blog là "hoa hồng".

Dân chơi blog lắm phen dở khóc dở cười vì tin hoặc ngây thơ tin vào các chức năng được quảng bá của phầm mềm blog. Đặc biệt tai hại là các chức năng liên quan tới đảm bảo hạn chế phạm vi bí mật thông tin được trải ra trong entry, cmt.

Hồi bên YH 360 mấy người bạn tớ đã lập các nhóm bạn F1 để khoanh vùng người đọc entry bí mật nào đó. Rốt cuộc hết hồn khi thấy sớm mai kia vài người "không nhiệm vụ" vào cmt tranh luận tè le, thậm chí là gay gắt vì đụng chạm. Kiểm tra lại, rõ ràng đặt chế độ hạn chế đàng hoàng. Phát hiện nguyên nhân hình như là bạn đó đặt nhóm nọ xéo qua nhóm kia. Một người liên quan tới vài nhóm. Nên khi bạn có loại trừ nhóm nào đó, thì họ lại vẫn vào cmt được trong ẻn "mật" vì họ còn có mặt ở nhóm không bị hạn chế. Nghĩ cho cùng, đó là do bạn mình không hiểu chức năng loại trừ "không tuyệt đối" của YH 360 mà thôi.

Chức năng Igno của YH360 cũng tương tự như block ở Multi, Yahoo Profile hay "sổ đen" ở Plus, đều có nghĩa là chủ nhân blog cấm quyền đọc, cmt hay gửi mess, add của người bị đưa vào diện "cấm chỉ bén mảng" vì gây phiền hà, hoặc có lối hành xử khác với nhu cầu giao tiếp của chủ blog.

Hồi bên 360, ai cũng kêu trời vì igno chả giải quyết cái quái gì. Sang YP thế nào thì tớ không biết vì tớ không xài bên đó, bên Plus thì hình như chức năng đó cũng có hiệu quả cấm cmt và spam thật. Còn với Multi, bà con loan truyền, hễ không muốn các thành phần "ngoài mục đích giao lưu blog" vào spam chuyện chính trị trên giời, spam sex, quảng cáo nước hoa vẩy cống... thì chỉ cần block đi là OK.

Tớ cũng xài block với một số blog spam quá mạng các thông tin chính trị kiểu bôi dở đen dở trắng, các blog hay cãi vã chửi bới, trai gái loạn xạ... Yên được ít bữa. Gần đây, phát hiện ra một số blog đã được loại trừ cứ tò tò vào nhà tớ và... vào sâu. Rốt cuộc hiểu ra là dù đã block, song họ vào theo chế độ là Friend của bạn nào đó trong FL tớ. Chả thèm xài chức năng này nữa. Coi như mấy lời khuyến cáo khi bạn sử dụng chức năng block như không liên hệ nọ kia, không đọc, không nhận mess... của các đối tượng bạn không muốn... chỉ là trò nhảm của Mul loè mà thôi. Cũng kệ nó vậy! Mình chỉ không thích giao tiếp chứ có phải đóng để chửi họ đâu mà sợ đại chiến. Về FL, rút kinh nghiệm từ YH 360, tớ để tuốt tuột là friend, mục đích là đỡ phải băn khoăn đóng rồi, chưa đóng thông tin. Đôi khi cũng muốn vặn nhỏ phạm vi chia sẻ song nghĩ cảnh lại chả tin mấy anh IT được, cứ nín cho lành. Thậm chí đi mấy nhà bè bạn thông báo là để chế độ chỉ F đọc, thậm chí nhóm nhỏ đọc, tớ cũng cảnh giác cmt sao cho nó chánh trực, đề phòng trường hợp hoặc Mul lên cơn mở toang hoang hết ra, hoặc bạn tớ lại làm quả hết bí mật thông tin, mở tung ra public thì tai bay vạ gió oan gia. 

Ở Plus, tớ có blog vốn là chỗ cất đồ trong cơn di tản tùm lum từ YH 360, dần dà thêm bè bạn chia sẻ vui buồn dí dủm. Dù là sản phẩm hàng nhái của dân VN, gần đây tửng lên bờ xuống ruộng, nhóm điều hành thì lâu lâu cũng làm vài trò gây mất niềm tin của blogger, song bạn bè vẫn khen plus có ưu điểm là cho phép không những đặt chế độ riêng tư, hạn chế phạm vi cho từng entry, mà còn có thể đặt cmt là bình luận riêng chỉ dành cho chủ khách riêng tư với nhau, hoặc công khai cho cả làng đọc. Với tiện ích này, bà con làng plus chủ động nay riêng, mai chung tình cảm các kiểu. Rất tế nhị nếu bạn không muốn các entry hay cmt của bạn bị đám đông soi mói và xì xào loạn xạ - chỉ dùng bình luận riêng hoặc lập nhóm nhỏ, cực nhỏ đọc entry là chắc dạ.

Thế mà vẫn quá là thiệt hại cho dân tình plus vì tin ở "hoa hồng IT". Vừa hôm trước, khoảng 12 giờ đồng hồ liên tục, chả hiểu quản trị plus làm ăn thía nào mà bà con được phen hết hồn, khóc dở mếu dở. Chả là bao nhiêu entry đặt chế độ chỉ riêng chủ nhân đọc, gửi gắm bao nhiêu bí mật tối thượng của cuộc đời thực, cuộc đời ảo bị phơi ra public hết trơn. Sự vụ chỉ bị phát giác khi một số bạn tá hoả vì những entry đã khép kín cõi lòng lại nhận được đùm đề cmt từ lâm li đến rùm beng. Một vài nhà đã ngưng blog, hoá ra chủ nhân vẫn viết riêng tư, và than ôi, y như "chết rồi" mà còn "cài bom hẹn giờ" cho nổ tung thiên hạ vì lòng dạ trải ra thật đến có thể tự tử vì lộ toẹt. 

Nhẹ hơn hay sao nhỉ? Một số danh sách bè bạn thân, tức là nhóm được vào vòng nhỏ để đọc các entry nào đó, bị thay bằng những gương mặt lạ hoắc. 

Bà con cuống cuồng tìm cách... chạy làng. Lưới bạn nào dễ bỏ. Trước mắt là đành ém kỹ các entry cá nhân bằng cách xoá khỏi plus, coppy ra máy rồi tuỳ cơ tìm chỗ cất. Còn lo nếu một ngày đẹp trời các bình luận riêng bị mở ra tơ hơ thì  chả hiểu những chuyện gì sẽ tới. Một mạng xã hội với những con người thực giao tiếp, sẻ chia sâu sắc có phải là chỗ sẽ trơ như đá, yên như núi dù vật đổi sao dời đâu.

Không nói thì chúng ta cũng hình dung được những hệ luỵ gì về giao tiếp, về bí mật đời tư khi quyền bảo mật thông tin cá nhân bị xâm hại.

Vậy mà hình như đến giờ này ông Plus vẫn chả có nhời gì giải thích hay cảm phiền bà con cả. Không hy vọng ông xin lỗi và có xin lỗi cũng chả giải quyết gì. Có điều nạn nhân ấm ức vì chả lẽ chỉ vì chơi free mà phải lãnh quả đắng này ư? Đằng thằng ra, nếu chúng ta có chút quyền pháp lý nào đó, thì chắc chắn khẳng định  là "bị ngược đãi tinh thần" nặng.

Tớ cũng hên là mọi entry bên plus để ở chế độ public triệt để vì không dám xài bất kỳ tiện ích hạn chế nào nên vô sự vụ này. Cũng không còn ngạc nhiên về cách làm ăn xem thường người sử dụng mà người ta đang cay đắng bảo là lối "tư duy Giao Chỉ ngón chân cong".

Nhưng nhìn chung, tớ không thể trao hoa hồng cho mấy anh IT blog được.

Viết ra để bè bạn cảnh giác thôi.

 

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

AI GÒ NỒI, GÒ XOONG KHÔNG !!!!!!!!!!!!!!!!

P/S:  Lại là một bài trong Chuyên san Mùa Cưới 2009... Thuộc seri bài viết về quan hệ hôn nhân trong những năm đầu sau kết hôn. Sự thật rất gần, nằm ở đâu đó

Dì Liên chở hai mẹ con đi chơi nhân dịp bố vắng nhà. Mẹ cháu phải nhắc: Phóng vừa vừa thôi, dì đang chở toàn bộ gia sản của  bố cháu có sau chục năm cưới vợ đấy. Mẹ cháu với bố cháu chỉ là đôi lọ gốm mộc được tôi luyện qua lò lửa hôn nhân thôi, nhưng cháu là hàng pha lê dễ vỡ, dì không đền được đâu. Dì ta cười khì khì hỏi: Thế không tính mấy cái bát mẻ với nồi méo, vung kênh à?

 

À ừ, bát vỡ bát mẻ thì phải vất đi chứ, nhưng sau đó luôn rút kinh nghiệm để càng ngày càng hạn chế chuyện vỡ chuyện mẻ. Còn nồi méo vung kênh thì phải gò dần cho nó hết méo hết vênh chứ. Tháng sau dì lấy chồng rồi dì sẽ hiểu gần chục năm rồi mà bộ đồ gia dụng nhà này còn được như thế là hơi bị hiếm đấy. Bảo tàng có trả giá cao ngất ngưởng chưa chắc bán đâu. Giờ chúng thành nhân chứng cho chuỗi ba ngàn sáu trăm ngày bố mẹ cháu chắt chiu hạt gạo, ngọn rau nuôi nhau và nuôi cháu.

 

Cô dâu mới hồn nhiên lắm, cứ tưởng với hành trang có công ăn việc làm ổn định, vốn nữ công gia chánh đủ dùng và một tình yêu ngùn ngụt là đủ để vào vườn hoa hôn nhân hưởng hạnh phúc. Để vườn mát mẻ bóng cây và hoa khoe hương sắc chả đơn giản đâu.

 

Nhớ hai năm đầu, cả hai vợ chồng chị đều lương ba cọc ba đồng, chưa biết làm thêm, tháng nào cũng phải bàn nhau đề phòng cuối tháng viêm túi. Chị không gội đầu ở hàng. Anh khổ sở cai thuốc. Mỗi khi hết tiền ngại nhắc chồng, chị cứ ráng vay mượn để bù trì. Rồi một hôm kẹt quá giục chồng đi vay hộ, chồng bảo: “Anh biết làm thế nào, đã đưa hết lương còn gì, em lo đi chứ”. Chị tức nghẹn trong ngực, vì chồng “vô trách nhiệm”. Nhưng từ sau thấy anh đưa tiền tháng trội lên. Hoá ra anh không vô tâm, đàn ông ngại vay mượn nhưng lúi húi xoay việc làm thêm để vợ đỡ đau vai. Mãi sau nghe anh tâm sự với bạn rằng hai vợ chồng có giận nhau gì chứ chưa bao giờ cãi cọ chuyện tiền bạc, chị mới thấy bõ công mình nín nhịn.

 

Nhưng cũng chẳng phải hai bên cứ nín, cứ  nhịn là ổn thoả đâu. Sự im lặng ngấm ngầm có khi tích lại những cặn lắng giận hờn chả khác gì bom hẹn giờ. Một hôm vợ chồng to tiếng, anh ném vỡ tan hũ thuỷ tinh đựng đường. Chị sốc vì chồng quá vũ phu, thô thiển, chả nói chả rằng bưng con mới hai tuổi và túi quần áo đi luôn. Hai mẹ con tá túc ở căn hộ bỏ không của cô bạn. Đêm nào con ngủ rồi mẹ cũng khóc. Nhưng vài ngày chị dần bình tĩnh lại, thấm thía nỗi buồn vợ chồng chia lìa và thấy còn cần nhau. Ông ngoại tình cờ biết chuyện đã tìm ra hai mẹ con, cử dì tới đón về, dì còn nhớ không. Rồi anh lên đón hai mẹ con về, rồi nguôi ngoai. Phàm cái gì lần đầu cũng dễ nâng quan điểm lên như thế chứ sau quen dần thì lại nhún nhường cho êm việc rồi lựa lời nói sau. Nghĩ lại, đúng là mình đã vội vã, nhớ chuyện cô bạn cũng vì cãi nhau với chồng khi con ốm, bỏ về ngoại và cứ thế đi đến ly hôn đấy.

 

Những ngày vừa cưới, cứ nghĩ sẽ hoà nhập nhanh lắm, mình lấy nhau vì tình cơ mà. Hoá ra cũng đủ thứ vênh, vênh ngay từ những thứ tưởng nhỏ nhặt như sở thích cá nhân chẳng hạn. Anh thích nuôi mèo, chơi chim cảnh. Chị nơm nớp lo có bầu mà nhỡ lông mèo rơi vào thức ăn là sẩy thai như chơi. Rồi con nhỏ nuôi mèo trong nhà cũng dễ bệnh hen. Chim chóc cũng khiến chị bực vì chồng luẩn quẩn với chim chả buồn đưa vợ đi đâu chơi nữa. Ngược lại, sở thích của chị là gặp gỡ bè bạn, nấu cháo điện thoại cũng bị anh ghét cay ghét đắng.

 

Đến lúc chị nghén, tâm lý càng bức bối. May là anh thương con nên chiều lây cả vợ, nhường nhịn vô điều kiện. Sau lâu dần thành nếp, hai bên nhìn nhau mà nhường. Cái gì không trùng được thì anh chủ động “thả” cho chị được thoải mái. Cũng lắm lúc anh càu nhàu nếu chị quá đà, nhưng ngay sau đó chị cũng hiểu và điều chỉnh dần vì cũng sợ anh… xiết chặt tự do thì nguy. Chị biết cả cách rang cám chim cho chuẩn để cần thì giúp chồng. Món trứng tráng anh không thích cho gừng, chị liền chia đôi ra, rán phần gừng sau, phần cho anh trước. Tinh tế yêu thương hoá ra từ nho nhỏ quan tâm chứ chả ở đâu xa.

 

Hồi chị đi học thêm chuyên môn buổi tối, cũng vì vợ chồng vênh sở thích nên sau giờ học hay la cà đi uống nước, ăn tối, buôn chuyện với bạn bè chán mới về. May là anh không có tính gia trưởng và hiểu rằng vợ chỉ ham vui chút thôi chứ không phải dạng đua đòi hay bội tình nên chỉ nhắc khéo: “Em về ăn cơm, bố con vẫn chờ đấy”.

 

Thực ra anh dì cũng buồn và ức chế lắm, không nhờ mấy người bạn tốt khuyên nhủ khéo anh đã chẳng trụ nổi trước sự vô tâm của chị. Sau anh bật mí rằng được một người bạn biết xem tuổi phán: Vợ anh tuổi này tốt tính nhưng tự quyết, bướng lắm. Nhịn đi vì con thì sẽ ổn cả, không là tan nát. Thế là anh nhịn và hy vọng sẽ có ngày vợ hiểu ra. Đến giờ lời phán ấy và gương nín nhịn của chồng đã thành lời nhắc nhủ nằm lòng để chị noi theo, tự sửa mình. Có chồng là bóng mát vị tha che chở còn mong gì hơn nữa.

 

Có con là niềm vui nhưng cũng thêm lý do để bực mình. Xoay quanh con là một núi việc không tên, nhất là khi con ốm đau, vợ chồng cứ rối ren lên rồi dẫn đến to tiếng. Chưa kể cách nuôi dạy con bố mẹ tiếp thu từ sách báo chưa hẳn trùng với kinh nghiệm của ông bà nội ngoại. Rể không đồng ý với nhà vợ, dâu ngầm phản ứng mẹ chồng. Không dám cãi nhưng vợ chồng lại phải khéo léo hợp sức để ông bà hiểu mà chăm cháu cho hợp lý. Chồng động viên vợ cháu kiềm chế chứ vì xót con cũng lắm phen tự ái ông bà lắm. Rồi nhờ mềm mỏng hợp tác mọi việc ổn thoả, thoát vụ vì cùng yêu con mà sứt mẻ tình cảm vợ chồng, dâu rể.

 

Cuộc sống gia đình bao nhiêu là điều phải tính tới, phải  “rủ rê” nhau làm đôi bạn cùng tiến. Hai bên phải lựa ý nhau, học cách nói lên điều mình mong muốn để cùng sánh vai vượt qua thăng trầm tới đỉnh hạnh phúc dì ạ. Chung vai và đồng lòng thì bể Đông cũng tát cạn. Chẳng thể nói mạnh hay tự tin ta hay hơn rồi mà lăm le cải tạo bạn đời cho thành phiên bản hoặc… nô tỳ của ta. Những vụng về cả hai bên phô ra trong những năm đầu, không kiên nhẫn nhịn nhường chờ đợi thì chắc hôm nay anh chị đã trôi mỗi người một dòng rồi.

 

Cám ơn dì vì khi bão tố nổi lên đã nhận ra để nhắc “không có người đàn ông nào tốt hơn dành cho chị đâu”. Giờ thì chị thừa nhận rằng không bao giờ đổi bố con cháu lấy bất kỳ điều gì đâu, dù tháng năm trước mắt còn dài và chưa thể lường hết gian nan. Đã có một bộ nồi vung trải qua gượng nhẹ được tròn khít như hôm nay, tin rằng anh chị của dì sẽ còn tiếp tục biết cách đi tới bến bình yên. Dì và chú Hải đã chứng kiến nhà cháu, lẽ nào chịu thua?

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2009

THƯỚC DÂY TRONG MẮT

Một cô nàng quá kén chọn, nay chê lùn, mai chê cao, ngày kia chê tóc bồ cào rễ tre... thì sẽ bị nguýt ngấm nguýt ngầm là nó có thước dây trong mắt. Ý nói là quá cành cao õng ẹo và so đo kén cá chọn canh...

 

Nàng mà nghe được thiên hạ đàm tiếu thế, nàng giận đấy, nàng ức đấy.

Nào phải chỉ nàng, thiên hạ ấy mà, ai cũng có thước dây trong mắt khi soi xét xung quanh. Ít ra là 1, nhiều ra là... nhiều.

Có người dùng một thước đo cả thiên hạ lẫn mình, vậy lại công bằng. Có người lấy thước khít khao đo mình, lấy thước xông xênh đo đời. Lại có người làm ngược lại. Phức tạp lắm, không phải cứ theo tiêu chuẩn quốc tế như thước dây hàng thợ may, thợ mộc đâu.

Chưa kể, mỗi cái thước dây cũng chả cố định đơn vị đo. Tuỳ theo trải nghiệm sự đời, theo hoàn cảnh sướng khổ, thênh thang hay đày đoạ, theo giời nắng, giời mưa hay giời râm có gây stress hay gây ... hớn hở mà cái thước co giãn như làm bằng cao su.

Hễ co giãn tùm lum đến độ chả ai hiểu nổi, thì chủ nó bị soi là có tính "đồng bóng". Hễ cứng đờ nghiêm luật bất kể nhân gian thì chủ nó lại bị nhìn là bảo thủ, hẹp hòi chứ ít khi được gán mỹ từ như thầm tự nghĩ "có lập trường", "có bản sắc".

Mềm mại thả ra cho thước tự điều chỉnh theo dòng đời khéo lại hơn. Cái đó gọi là biết mình biết người chăng? Hơi là khó! Tốt nhất cứ là có đủ các cung bậc trên kia nữa cho đời vui vẻ.

Tự dưng nhớ cái cụm từ "thước dây trong mắt" mà ngày xưa có người gán cho mình. Hàhà. Cũng vui. Thế là thử nghĩ về nó xem sao. Tự nghĩ xem cái thước dây trong mắt của mình nó đang thế nào rồi sau bằng ấy năm.

Đại khái thế. Đọc chơi, chớ luận!

 

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

NHỮNG DÒNG SỐNG KHÁC...

Những sự kiện tình cờ của cùng một ngày khiến mình suy nghĩ nhiều về những điều tưởng đã hiểu từ rất lâu, tưởng đã biết cách chấp nhận những khác biệt thực có của cõi đời từ rất lâu.

Câu chuyện gợi mở những ẩn ức chưa bao giờ được nói ra, găm chặt xót xa cho một nền văn hoá rực rỡ nhiều lúc bị xem là "đối kháng". Chuyện va chạm giữa nền văn hoá ấy và nền văn hoá "chính thống" có một chiều dài lịch sử xa xăm.

Ngày ấy, cách đây vài năm, cơ hội làm việc cho mình chứng kiến, cho mình trải qua cú sốc khi tìm hiểu một cấu trúc chế độ mẫu hệ đặc biệt ở ngay rất gần "đường quốc lộ" xuyên Việt. Cảm giác xót xa cho những mất mát văn hoá của một cộng đồng và  những dòng chảy ngầm mãnh liệt trong đời sống ở đó, sự phản kháng có tính chất hệ thống, đầy hiểu biết thực sự về vị thế, về khát vọng, về cơ hội và tạo ra cơ hội của những con người ở đó. Rất khó khăn để được họ hé mở thế giới tưởng như khép kín ấy. Cách họ thích ứng với "nền văn hoá chung - chính thống" là sự mềm dẻo gấp nhiều lần bàn tay múa của nàng Apsara. 

Cho tới hôm nay, câu chuyện tình cờ khiến mình quá xúc động. Những nhân vật chủ chốt của cộng đồng gửi lời hỏi thăm mình qua người bạn blog. Không nghĩ rằng vài cuộc trò chuyện thoáng qua từ 5 năm trời trước với mình - một kẻ thuộc cộng đồng "đối kháng tiềm ẩn" với họ, về những tổn thương của dân tộc họ, lại được họ ghi nhớ lâu đến thế. Mừng một chút khi nghe anh bạn nói: gần đây hiện trạng cũng được cởi vòng thít ít nhiều. Đọc đoạn này, bạn có thể hơi khó hiểu, song mình không thể nói rõ hơn.

Vài hé lộ của người bạn trong FL khiến mình suy nghĩ về thân phận con người trong những biến động nổi và chìm của xã hội những thập kỷ qua. Vẫn biết trải nghiệm và ký ức là dòng sông ngầm giày vò, day dứt cả hiện tại và tương lai của những kiếp người. Người bạn mình làm một blog tràn ngập nội tâm. Đến mức, mình nghĩ rằng, không bao giờ nên tìm hiểu về đời thực của bạn ấy. Làm vậy là vô cùng thiếu tế nhị. Những kiếp người với quá khứ trải nghiệm khác biệt đến nghiệt ngã về mặt xã hội đang tồn tại quanh ta. Lưới blog không chỉ quanh những người tương đồng với mình, còn trải vào miền đất một thời chưa xa là thể chế khác. Qua giao lưu, mình hiểu ra chính trị đôi khi vẫn ẩn hiện rất thực trong những phận người như thế. Nếu mình ghét những thứ "chính trị chửi đổng" la liệt trên thế giới ảo này, thì lại quá xót xa khi nhận ra những mất mát mà thế hệ ta, và rất có thể cả vài thế hệ sau đó không đáng phải gánh chịu như di chứng thế. Mong rằng khi bạn đọc những dòng này, bạn sẽ nhẹ lòng hơn nhé, dù có lẽ tôi còn phải lắng nghe nhiều nữa để hiểu được thêm...

Và những khác biệt rất đời thường trong  những lớp phụ nữ sau tuổi mình không nhiều. Nàng đang trải qua những xáo động mang tính "quy luật lứa tuổi" mà đàn bà nào cũng sẽ tới, sẽ qua. Mình cũng từng qua đoạn khó khăn đó. Cách nhau chả xa lắm, cụ thể là 7 tuổi thôi, nhưng gắn với bước vận động xã hội từ bao cấp, khép kín đối với các giá trị cá nhân, chuyển sang mở và giá trị cá nhân mỗi lúc được nhận thức rõ hơn, ứng xử của nàng và lứa của mình khá khác, dù xét về hoàn cảnh sống thì chả khác nhau nhiều và vẫn có thể tìm một tiếng nói sẻ chia chung. Cứ dòng biến động ấy mà tính thì thế hệ 8x, 9x khác đến "chóng mặt" và nếu con người làm mẹ là mình không mềm mại nhận ra sự khác biệt rất logic của lớp đi sau, sẽ sốc vỡ tim vì con có ngày. Cứ nghĩ, lúc ấy có vỡ là tại vỏ cứng quá, chớ kêu oan.

Một câu chuyện nữa với người bạn liên quan tới nhận thức chủ quan của người sản xuất và nhu cầu thực của khách hàng trên thị trường truyền thông. Người sản xuất "tưởng", trong khi thực tế lại đã "khác" và thậm chí "ngược lại". Vậy mà một hiện trạng phổ biến ở ta bây giờ là người làm thì đoán là chính, không nghĩ việc đầu tư dù nhỏ để biết được thực trạng khác biệt của chính khách hàng - Thượng đế của mình.

Nhớ câu "ếch ngồi đáy giếng tưởng Trời bằng vung". Thí dụ và suy nghĩ chiêm nghiệm thì vô cùng...

Yêu cuộc đời này vì những mới mẻ ấy khiến ta còn biết đau, biết yêu thương, chia sẻ với những khác biệt đến sững sờ. Luyện một khả năng chấp nhận sự khác biệt của người khác ngay trong gia đình, ở cơ quan, trong cộng đồng gần xa... là kỹ năng sống còn và học đến mãn kiếp chưa xong. Nhưng nó làm cho mình luôn mới mẻ, háo hức... luôn luôn. Nó cũng làm cho lòng mình đôi khi trĩu nặng tưởng chừng như vô nghĩa, phù phiếm nhưng thực ra lại là những gợi mở quý giá để quay về mà biết nâng niu, trân trọng những giá trị gần gũi bên mình. Luôn là thế! Ít nhất là với mình.